Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Kevin Lynch- Good City Form- HÌNH THỨC HÒAN HẢO CỦA THÀNH PHỐ

MỤC LỤC


Phần mở đầu: Một câu hỏi ngây ngô 1


PHẦN 1 CÁC GIÁ TRỊ VÀ CÁC THÀNH PHỐ

1
Các giá trị hình thức trong lịch sử đô thị 5

2
Hình thức của thành phố là gì và nó được tạo ra như thế nào 37

3
Giữa thiên đường và địa ngục 51

4
Ba lý thuyết chuẩn mực 73

5
Nhưng có thể có hay không một lý thuyết chuẩn mực tổng quát 99


PHẦN II Một lý thuyết về hình thức hòan hảo của thành phố

6
Các chiều kích của sự thể hiện 111

7
Sức sống 121

8
Cảm giác 131

9
Sự vừa vặn 151

10
Lối vào 187

11
Sự kiểm soát 205

12
Tính hiệu quả và sự công bằng 221

PHẦN III MỘT VÀI ỨNG DỤNG

13
Kích thước của thành phố và ý tưởng về khu vực lân bang 239

14
Tăng trưởng và bảo tồn 251

15
Các kết cấu và mạng lưới đô thị 261

16
Các mô hình và thiết kế thành phố 277

17
Một nơi không tưởng 293

Lời bạt: Một lời phê phán 319

PHỤ LỤC

A. Lược khảo lý thuyết chức năng 327
B. Ngôn ngữ của hình kiểu đô thị 345
C. Một vài nguồn gốc của các giá trị thành phố 359
D. Một catalog các mô hình của hình thức định cư 373

THƯ MỤC 459

Nguồn tài liệu và sự ghi nhận 485

Lời cảm ơn 491

Danh mục 493







Phần mở đầu: Một câu hỏi ngây ngô

“Những gì làm nên một thành phố hòan hảo?” có thể là một câu hỏi vô nghĩa. Đối với bất kỳ câu trả lời hợp lý nào thì thành phố quá phức tạp, vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta, và ảnh hưởng đến quá nhiều người, những người lại chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều sắc thái văn hóa. Các thành phố cũng giống như các đại lục, đơn giản là các dữ kiện khổng lồ của tự nhiên mà với chúng chúng ta phải thích ứng. Chúng ta nghiên cứu cội nguồn và chức năng của chúng vì biết được thật thú vị và thật hữu dụng khi đưa ra dự báo. Ai đó có thể nói rằng “Tôi thích Boston” nhưng chúng ta đều hiểu rằng đây chỉ là sự yêu thích vặt vãnh dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Chỉ có một nhà báo của tờ báo Chủ nhật đánh giá Boston khi so sánh với Atlanta. Các học giả phân tích dữ kiện cứng như dân số, tiền tệ và dòng giao thông.

Tiểu luận này đề cập tới câu hỏi ngây ngô đó với tất cả mọi phẩm chất, mưu mẹo và ngờ vực sẽ sớm xuất hiện. Những quyết định về chính sách đô thị, hoặc về sự phân phối tài nguyên, hoặc nơi nào phải dời đến, hoặc phải xây dựng như thế nào, phải sử dụng quy chuẩn về cái tốt và xấu. Dù ngắn hạn hay dài hạn, bao dung hay ích kỷ, ẩn hay phát lộ, các giá trị là một thành phần không thể thiếu của quyết định. Nếu không có một vài cảm giác về cái gì là cái tốt hơn, mọi hành động là sai lạc. Khi các giá trị không được kiểm tra chúng trở thành nguy hiểm.

Có một cảm giác chung rằng hầu hết các khu vực đô thị đều không ổn- không thuận tiện, xấu xí, hoặc buồn tẻ- như thể chúng được đo lường theo một thang độ tuyệt đối nào đó. Chỉ có những phân đọan của thế giới quần cư được chấp nhận theo quan điểm yếm thế này: một khu vực ngoại ô giàu có, một công viên đẹp, một thành phố lịch sử, một trung tâm sống động của một vài thành phố lớn, một vùng nông nghiệp cũ. Chỉ khi nào chúng ta làm rõ tại sao chúng ta cảm thấy như thế, chúng ta mới có thể chuẩn bị để tiến hành một thay đổi có hiệu quả.

Mục đích của tiểu luận này là viết nên một tuyên ngôn khái quát về nơi quần cư tốt, một nơi thích đáng và thuận lợi cho bất kỳ hòan cảnh nào của nhân loại, rồi kết nối các giá trị chung với những hành động cụ thể. Tuyên ngôn sẽ tự giới hạn nó với mối liên hệ giữa các giá trị nhân bản với không gian và hình thể của thành phố dù rằng cái sau có ý nghĩa rộng hơn những gì thường được hiểu. Nó sẽ chỉ là một lý thuyết từng phần chẳng phải vì nó gắn liền với khía cạnh hình thể, mà bởi vì một lý thuyết tổng quát phải liên hệ những tuyên bố về việc một thành phố hoạt động như thế nào với những tuyên bố về sự hòan hảo của nó. Lý thuyết chuẩn mực chỉ đề cập với cái sau trong khi giả định về cái trước, nó là từng phần theo cách của nó, khi đó cũng giống như các lý thuyết chức năng thịnh hành khác chúng giả định một cách vô thức theo cái cách đặc biệt của bản thân chúng. Sự phân biệt giữa lý thuyết chức năng và lý thuyết chuẩn mực, nhu cầu liên hệ giữa chúng được thảo luận trong chương 2.

Các lý thuyết chuẩn mực của hình thức thành phố không phải mới. Ba phương án dẫn đầu sẽ được mô tả trong chương 4. Chúng sẽ đi trước trong phần I bởi một lịch sử ngắn gọn, một sự thảo luận về bản chất của hình thức thành phố và một phác thảo về giá trị hình thức từ nhiều nguồn khác nhau- một điểm khởi đầu cho chúng ta. Ba lý thuyết chuẩn mực ở chương 4 là những lý thuyết hùng mạnh không những theo nghĩa trí tuệ mà vì ảnh hưởng lâu dài của chúng lên những quyết định của thành phố. Tôi trình bày những khiếm khuyết của chúng. Một lý thuyết tổng quát hơn được nêu trong phần II, dựa trên “Các thông số của sự thể hiện”. Lý thuyết này cũng có những vấn đề của riêng nó như chúng ta sẽ thấy. Tuy vậy đây là điểm khởi đầu. Phần III ứng dụng lý thuyết này vào các vấn đề và mô hình của đô thị hiện tại, và minh họa nó với một sơ phác có tính không tưởng.

Lý thuyết chuẩn mực về hình thức của thành phố đang ở trong tình trạng đáng tiếc. Sự chú ý của giới hàn lâm thiên về các khía cạnh kinh tế xã hội của nơi quần cư của con người, hoặc về sự phân tích hình thức vật thể họat động như thế nào, hoặc kể lại nó đã trở nên như thế bằng cách nào. Rất nhiều giả định vê giá trị được che giấu thông minh bên trong các cấu trúc khoa học không tỳ vết này. Trong khi đó những người thực hành bám lấy những giá trị hiển nhiên mà ai cũng đồng ý. Bất kỳ người nào cũng biết được một thành phố tốt là như thế nào. Chỉ có một câu hỏi nghiêm túc là làm thế nào để đạt đến đó. Những câu hỏi giá trị như vậy có đáng để tâm hay không?








1

Các giá trị hình thức trong lịch sử đô thị

Những lực lượng phi tự nhiên không biến đổi nơi định cư của loài người. Hoặc ít nhất chúng chỉ thực hiện được điều đó vào những dịp hiếm hoi và đó là những lúc xảy ra thảm họa thiên nhiên: lửa, lụt lội, động đất và dịch bệnh. Ngòai những thứ đó ra sự biến đổi nơi định cư là một hành động của con người, tuy vậy lại phức tạp, được thực hiện vì động cơ của con người, tuy nhiên lại được che đậy hoặc không có hiệu quả. Làm lộ những động cơ đó cho chúng ta moojt vài đầu mối đầu tiên về sự liên hệ giữa các giá trị và hình thức môi trường. Một chuyện kể ngắn gọn về những trường hợp nổi bật của sự biến đổi đô thị sẽ cho chúng ta điều gì đó để nghiền ngẫm.

Sự biến đổi nguyên thủy nhất chính là sự nổi lên của bản thân các thành phố. Tại sao những môi trường đặc biệt này được tạo ra ở những nơi đầu tiên. Bởi vì những thành phố đầu tiên ra đời trước chữ viết, chúng ta chỉ có chứng cứ gián tiếp, nhưng khảo cổ học và thần thoại kể cho chúng ta vài điều. Bước nhảy độc lập và tương đối đột ngột đến văn minh đã xảy ra khoảng sau hoặc bảy lần trong lịch sử thế giới.[1] Bước nhảy này đã luôn luôn kèm theo sự xuất hiện của các thành phố, phần lớn đó là những khu vực dân cư tương đối dày do đám đông hỗn độn tổ chức một lãnh thổ nông nghiệp lớn quanh họ. Cùng với những thành phố và nền văn minh xuất hiện một xã hội phân tầng, sở hữu bất bình đẳng, các chuyên gia làm việc tòan thời gian., và thường thường văn tự, khoa học, chiến tranh, nghệ thuật ứng dụng, đồ mỹ nghệ đắt tiền, buôn bán đường dài, và các trung tâm tưởng niệm hoành tráng. Tại sao những điều này kết nối với nhau một cách lặp đi lặp lại là một vấn đề mang tính cơ bản. Thật thú vị khi nghiên cứu xem các thành phố đã làm gì với vấn đề đó vầ nó sẽ kể cho chúng ta nghe những gì về các giá trị của thành phố.

Trong mọi trường hợp những thành phố đầu tiên nổi lên chỉ sau khi có một cuộc cách mạng nông nghiệp đi trước, trong đó các lòai độgn vật và gia cầm được thuần hóa và những khu định cư nhỏ của người trồng trọt xuất hiện. Điều này là điều kiện cần nhưng không phải là điều kiện đủ. Trong nhiều trường hợp, nông nghiệp vĩnh viên không dẫn đến sự xuất hiện độc lập của các thành phố.[2] Trong một vài trường hợp thuận lợi (?) sau sự xuất hiện của cách mạng nông nghiệp trong vùng này khỏang trên dưới một nghìn năm nền văn minh đô thị đã xuất hiện. Cây trồng được thuần hóa xuất hiện ở Sumer khoảng 5000 năm trước công nguyên, trong khi Eridu- thành phố đầu tiên chúng ta biết trong vùng này- tồn tại khoảng 4000 năm trước công nguyên, là nơi cư trú cho vài ngàn người. Vào 3500 trước công nguyên có khoảng 15 đến 20 nhà nước thành bang ở Sumer, bao gồm Ur, Erech, Uruk, Lagash, Kish, và Nippur- tất cả chúng là những thành phố hoàn chỉnh, một vài thành phố có dân số 50 000. Ur có diện tích bốn dặm vuông (khỏang 10 km2).

Đó là những thành phố có tường thành bao bọc, sự tương phản về kích thước giữa các ngôi nhà, giá trị của hàng hóa bên trong mộ táng chỉ ra sự khác biệt về chức vị và quyền thế. Các thành phố kiêu hãnh về những đền đài uy nghi được dựng trên các nền cao, đựơc định hướng cẩn thận. Các đền đài được xây dựng trên đống hoang phế của cái cũ, những đền đài nhỏ hơn. Đã có những chuyên gia về đá, thép, đồ gốm, gỗ và kính. Thương mại được tổ chức, vươn tới tận Syria hoặc Thung lũng Indus. Lương thực và những hàng hóa khác được thu lại như vật cống nạp từ nông dân và người nứơc ngòai rồi được phân phối giữa những công dân bởi giai cấp tăng lữ, nhứng người nằm ở vị trí trung tâm của xã hội.

Văn tự, một phát minh đã có những hệ quả bùng nổ được phát triển từ chữ tượng hình và những người thu tiền đã sử dụng để kiểm kê hàng hóa. Nó nở rộ thành hệ thống chữ hình nêm phức tạp, nó được dạy trong các trường thư lại và dựa trên các danh sách từ vựng phổ biến khắp vùng. Những quan sát thiên văn định kỳ được tiến hành; một hệ thống số được phát triển. Đồng và sắt xuất hiện vào khoảng 3000 năm trước công nguyên. (TCN). Đã có một bước nhảy sớm trong nghệ thuật và công nghệ. Bánh xe đã được phát minh.

Tuy nhiên xe có bánh được sử dụng trong chiến trận và nghi lễ tôn giáo trong khỏang một ngàn năm trước khi nó được dùng để chở hàng. Hàng hóa nhập khẩu là loại xa xỉ, những đồ thủ công đặc biệt và công nghệ mới phục vụ chiến tranh và nghi lễ, chứ không phải cuộc sông hàng ngày. Dần dần mức độ bình đẳng tương đối của làng được chuyển thành một xã hội phân tầng, xã hội đó đã chuyển những mối quan hệ xã hội thống lĩnh từ thân tộc thành giai cấp. Kim tự tháp xã hội bắt đầu từ dưới với nô lệ và nông dân, đến những đốc công và binh lính, tới các quan chức và tăng lữ. Quyền sở hữu đất đai tập trung trong tay của nhóm sau. Những cuộc chiến tranh biên giới giữa các thành quốc tạo ra các lãnh tụ chiến tranh chuyên nghiệp, quân đội chuyên nghiệp, và những cuộc xâm lược liên tục. Tăng lữ và vua trở thành tách biệt và giới sau trở thành thống trị. Cuối cùng với sự lớn mạnh của Sargon của Akkad vào năm 2400 TCN chúng ta bước vào giai đọan đế chế quân sự.

Chừng nào chúng ta còn có thể kể, cùng câu chuyện như vậy dường như được lập lại trong những vùng khác: ở Shang Trung Hoa, ở Trung Mỹ và có lẽ cũng ở Thung lũng Indus, Ai Cập, và Peru- dĩ nhiên không phải luôn luôn với cùng các đặc tính nhưng về cơ bản là giống nhau. Các thành phố đã phải làm gì với nó? Đã có một số những lời giải thích. Các thành phố được cho rằng đã xuất hiện như là kho hàng và các điểm chốt trên tuyến đường buôn bán, hoặc như là các trung tâm phòng ngự, hoặc như các trung tâm hành chính trong việc quản lý các công trình công cộng phức tạp và tập trung như hệ thống tưới tiêu. Nhưng các cuộc chiến tranh, buôn bán, và các công trình công cộng được tổ chức dường như phải xuất hiện sau sự nổi lên của thành phố. Chúng dường như là sản phẩm của xã hội thành thị chứ không phải là nguyên nhân của xã hội đó.

Có vẻ là bước nhảy đầu tiên tới văn minh đã xảy ra dọc theo một con đường đơn độc, nó xảy ra độc lập một vài lần trong lịch sử nhân loại. Một khi nó được tạo ra, những ý tưởng về văn minh- như là các thành phố, văn tự và chiến tranh- có thể được truyền tới các cộng đồng khác, những nhóm di chuyển dọc theo những con đường khác, ngắn hơn. Nhưng con đường cổ điển, độc lập dường như bắt đầu từ một xã hội nông nghiệp, là xã hội có khả năng sản xuất lượng lương thực dư thừa và cũng là xã hội đã biểu hiện những quan tâm chung về sinh đẻ, cái chết, bệnh tật và sự tiếp nối của cộng đồng nhân loại trong các đền đài và nghi lễ.

Một đền thờ đặc biệt hấp dẫn bắt đầu có được danh tiếng, thu hút người hành hương và tặng vật từ một vùng rộng lớn. Nó trở thành một trung tâm hành lễ lâu dài, do các thầy tế phục vụ và chúng phát triển nghi lễ của mình cung các hòanh cảnh hình thể để làm nên sự hấp dẫn của địa điểm. Địa điểm và nghi lễ giải thoát người hành hương khỏi nỗi lo và làm cho họ có những trải nghiệm phấn khích. Những sản vật, nghi lễ, huyền thoại và quyền lực được kết tụ.

Những kỹ năng mới phát triển để phục vụ tầng lớp tinh hoa mới, để trông coi công việc của họ, hoặc để áp đặt ý chí của họ lên cư dân xung quanh. Những quà tặng tự nguyện và sự gắn kết với dân cư nông thôn được chuyển thành cống vật và sự thần phục. Việc trưng thu lương thực về một nơi có lợi ích thứ cấp khi nó phục vụ như kho dự trữ phòng nạn đói, và như là một cách trao đổi các sản phẩm bổ sung.

Môi trường vật thể đóng một vai trò thiết yếu trong câu chuyện này. Đó là cơ sở vật chất cho ý tưởng tôn giáo, sự khuyến khích cảm xúc gắn kết nông dân với hệ thống. Thành phố là “nơi tuyệt vời”, là nơi thư giãn, một thế giới mới, và cũng là là kẻ áp bức mới. Vì thế sự sắp đặt của nó được quy hoạch cẩn thận để củng cố cảm giác kinh ngạc và đẻ hình thành nền tảng tráng lệ cho lễ nghi tôn giáo. Được

Milton

Xem hình 5

Teotihuacán

Xem hình 6

xây dựng với sự tận tâm và cũng với dự định rõ ràng, nó là một phần thiết yếu của cơ chế thống trị tâm lý. Cùng lúc đó nó là sự biểu hiện rực rỡ của lòng kiêu hãnh, sự giải tỏa và cảm giác kinh ngạc của con người. Dĩ nhiên khi nền văn minh phát triển thành phố nắm lấy nhiều vai trò khác hơn bổ sung vào vai trò chính này. Nó trở thành kho chứa, pháo đài, xưởng thủ công, chợ và cung điện. Tuy vậy, đầu tiên nó là nơi linh thiêng.

Một số các trung tâm đô thị Trung Mỹ theo con đường tương tự bao gồm trung tâm Olmec tại La Venta, và những nơi như Monte Albán, Tula các thành phố cuả người Maya và Tenochtitlán (ngày nay là Mexico City) sau này. Một trong những thành phố vĩ đại nhất trong các trung tâm trên là Teotihuacán, nằm ở phía tây bắc của Mexico City. Mặc dù trung tâm đô thị Olmec có trước, Teotihuacán đã là vùng đô thị rộng lớn của Trung Mỹ theo quan niệm ngày nay. một trung tâm nào sánh được về quy nô và cường độ đô thị của nó, và là thành phố đầu tiên trong chuỗi các trung tâm quyền lực đã lên đến tột bực ở Tenochtitlán của người Aztec. Teotihuacán đã được điều tra cẩn thận như một hệ thống đô thị hòan chỉnh bởi René Millon và các cộng sự.

Tại thiên đỉnh cúa nó vào khoảng năm 450 sau công nguyên (SCN) thành phố có thể đã chứa đến 200 000 người và chỉ có một phần tường bao bọc. Nó được trải ra dọc theo một đại lộ hòanh tráng chạy thẳng qua thung lũng, nâng lên dần qua khoảng 5 km. Về hướng bắc đại lộ chính này bị giao cắt bởi một đại lộ chính khác. Tại ngã tư này có hai quần thể lớn, một là chợ và cái kia là trung tâm hành chính. Dọc theo đại lộ lớn và tại đầu của nó là một ngọn núi nhân tạo, gây sửng sốt và một chuỗi liên tục nhưng đền đài và các công trình vĩ đại. Tòan thể khu vực được bố cục trong một mạng lưới đều đặn những phức hợp công trình chữ nhật. Hướng của các đại lộ và quần thể công trình (15o 30’ Đông Bắc) là gần như chính xác.[3] Các quần thể là nhóm dân cư gồm từ 30 đến 100 người, phần lớn trong số họ là là các chuyên gia thủ công làm việc tại nơi sinh sống. Năm trăm xưởng thủ công được tìm thấy, hầu hết dành cho việc chuẩn bị obsidian[4] để xuất khẩu. Teotihuacán có liên hệ với Oaxaca và những nhóm thương mại vũ trang của nó đuwojc mô tả trên các tranh tường của người Maya. Ảnh hưởng cúa nó vươn tới tận Kaminaljuyú cách đó 600 km. Nó là trung tâm tôn giáo và thương mại lớn vào thời đó, thu hút người hành hương và nhà buôn của một vùng rộng lớn.

Nó đã từng là một làng kích thước trung bình sớm nhất khoảng 500 năm TCN nhưng bước nhảy đột ngột thành thành phố xảy ra vào thế kỷ thứ nhất SCN. Vào thời đó đại lộ chsnh và đại lộ vuông góc được trải ra ngòai vùng đất trống, đâu đó về phía nam và đông của khu vực làng ban đầu, còn kim tự tháp đã được bắt đầu và sau đó được mở rộng. Những công trình công cộng vĩ đại này đã kiểm soát quy hoạch của sự tăng trưởng thành phố trong vòng sáu thế kỷ tiếp theo, và đã có bằng chứng rằng vị trí được cung cấp trong quy hoạch ban đầu này không bao giờ được tận dụng hết. Lao động cho những công việc đồ sộ này phải được thu hút từ vùng lương thực kề cận và hầu như có vẻ nó cũng lấy từ các nỗ lực đóng góp của người hành hương.

Ban đầu trong lịch sử của nó, Teotihuacán kiểm sóat nguồn obsidian quan trọng. và chắc chắn rất nhiều ảnh hưởng sau này của nó được dựa trên công việc liên quan đến obsidian và sự buôn bán obsidian. Nhưng có vẻ như là sự tán tụng tôn giáo đã truyền năng lượng cho bước nhảy đầu tiên lên tình trạng đô thị. Hình thức vật lý của thành phố và các nghi lễ lớn được tổ chức tại đó là căn bản cho cho sự hấp dẫn của nó. Chắc chắn rằng động lực cho một cố gắng vật chất phi thường như vậy là vinh danh các vị thần nhưng cũng mang lại lòng kiêu hãnh, sự sửng sốt và để đảm bảo cho vị trí của thành phố như là một trung tâm hành hương và cống nạp. Một khi bộ máy đô thị vào guồng những lợi thế tăng thêm của sự tập trung kinh tế và chính trị được tự động sinh ra.

Khi chúng ta nhìn vào những thành phố ban đầu không có văn tự như Teotihuacán, chúng ta chỉ có thể ngoại suy động lực của những người xây dựng nó. Trong các nền văn minh sở hữu văn tự dấu vết về các động lực là trực tiếp hơn. Ví dụ, ở Trung Quốc cùng một sự kế tục như vậy của các điểm định cư nông nghiệp được theo sau bởi các thành phố và rồi xã hội phân tầng được sinh ra ở vùng giữa của thung lũng sông Hoàng Hà. Ở thủ đô đầu tiên của nước Shang Trung Hoa những ngôi nhà trên cột được dựng lên trên nền đất. Dưới mỗi ngôi nhà quan trọng, thâm chí dưới mỗi cột trụ là một sự hy sinh của con người. Sự lo lắng và tội lỗi đi kèm với mỗi ngôi nhà. Tinh thần của đất phải được làm dịu đi và kiểm soát. Cố đô Chang’an của nhà Han và T’ang giống như một trại lính. Có 160 phường bên trong tường thành, giống như các quần thể công trình của Teotihuacán. Mỗi phường có tường và một cổng riêng. Tất cả các cổng đều được đóng lại vào lúc mặt trời lặn theo hiệu lệnh của trống và mở lại khi có tiếng trống vào buổi sáng. Chỉ có các đội tuần tiễu vũ trang đi tuần qua các đường phố vào ban đêm.

Truyền thống đô thị này là sự tiếp nối ở Trung Hoa từ 1500 năm TCN hầu như tới tận ngày nay và khái niệm về thành phố lý tưởng Trung Hoa lần lần được luật hóa trong các văn bản. Nó phải là hình vuông, đều đặn, và được định hướng, với sự nhấn mạnh vào tính bao bọc, cổng , lối tiếp cận, ý nghĩa của phương hướng, và tính nhị nguyên trái phải. Việc tạo ra và duy trì trật tự tôn giáo và chính trị là mục đích rõ ràng. Nghi lễ và địa điểm hòa hợp với nhau. Chúng được biểu hiện và thực chất được tin là duy trì sự hài hòa của thượng giới và con người, sự xáo trộn là thảm họa. Bên trong chốn trật tự về địa điểm, thời gian, và hài hòa giữa hành vi và trang phục này thế giới là an tòan và đảm bảo. Không phải ngẫu nhiên ở đó cấu trúc tầng bậc xã hội là bất khả công kích. Một số tài liệu phong phú mô tả sự gắn bó giữa tư tửơng và nơi chốn này. Quyền lực tâm lý của nó vào thời đại ngày nay đối với người nước ngòai được chuyển tải sống động trong hồi ức của George Kate về cuộc sống của ông ở Bắc Kinh vào thời kỳ suy tàn của đế chế Trung Hoa.

Một khi ý tưởng về thành phố được hình thành, nó yêu cầu những chức năng và giá trị mới. Một vài giá trị xuất hiện khi chúng ta nghiên cứu những đồn điền chỉn chu được dựng nên bởi những người đã quen thuộc với tính hữu ích của thành phố. Các thị trấn của các công ty được xây dựng cho những động lực khai thác và kiếm lời rõ ràng, sự thành công hay thất bại trong công cuộc khai thác chúng thường được ghi lại. Một ví dụ khác, thành phố thuộc địa xuất hiện trong hai hình thức. Thứ nhất, các thuộc địa ở vùng hoang vu được đặt ở nơi không có người, hoặc dân bản xứ rất tản mát hoặc họ quá nguyên thủy mà những người thực dân không thấy lợi ích gì từ họ.- nghĩa là những người bản xứ hoặc bị bỏ qua hoặc bị đẩy đi nơi khác. Khu vực định cư mới được tạo ra để kiểm soát nguồn tài nguyên hoặc để giảm bớt sự quá tải dân số ở nhà. Nó chỉ là một không gian nhỏ của một trật tự quen thuộc trong một vùng không người ở và xa lạ, do đó mối quan tâm chủ yếu là sự an tòan, sự khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên kiếm được, việc xác lập rõ ràng vị trí và hàng hóa, sao cho một xã hội có mục đích được xếp vào nơi đó càng nhanh càng tốt. Nỗi sầu cố hương là cảm xúc nổi bật và thông thường có một cảm xúc tạm bợ thực sự hoặc tưởng tượng. Những chỗ này thường được thiết kế thận trọng, xây dựng nhanh chóng, tương phản rõ rệt với môi trường xung quanh, có trật tự theo một cách đơn giản, và tràn đầy những biểu tượng bảo thủ của cố hương.

Những thuộc địa Hy Lạp lan nhanh dọc theo bờ biển Địa Trung Hải và biển Đen trong thế kỷ thứ tư và thứ năm TCN là những ví dụ cổ điển của của loại thành phố như vậy ở nơi hoang vu. Hầu hết chúng được trải ra theo một kiểu chung như những khối dài và mỏng được tách biệt bởi những đường nhánh hẹp. Những đường nhánh dẫn đến một vài đường chính rộng hơn theo các góc vuông. Đây là kiểu lặp lại, nó được ứng dụng bất kể đến địa hình. Thành phố được bao bọc bởi một bức tường không đều đặn đáp ứng với tính chất phòng ngự của địa hình, nó không có mối liên hệ với kiểu đường phố bên trong. Tính chất phòng ngự, trật tự, sự phân phối nhanh chóng và công bằng địa điểm và lối vào nhà ở dường như là những động lực chủ yếu. Những trại lính và nhiều thành phố Bắc Mỹ thế kỷ mười chín cho cùng những đặc tính tương tự. Chúng ta sẽ thấy lại nhiều đặc điểm này, khi chúng ta bắt đầu xây dựng các trạm không gian.

Cũng có một dạng khác của thành phố thuộc địa, đó là thành phố được tạo ra trong vài vùng dân cư đông đúc bởi một lực lượng bên ngòai. Ở đây dân số địa phương là một phần của nguồn tài nguyên được khai thác. Tính chất hữu dụng của nó và cũng như mối đe dọa của nó phải được kiểm soát. Những mâu thuẫn văn hóa nảy sinh cần phải đối mặt. Nghi thức Tây Ban Nha trong việc lập nên một thành phố ở châu Mỹ bắt đầu với việc trồng một ngọn giáo như sự bày tỏ một thách thức và việc cắt cỏ như một hành động chiếm hữu. Một giá treo cổ được dựng lên và chỉ sau đó người ta mới dựng cây thập tự và lễ thành lập được tiến hành. Những hệ thống sở hữu đất đai bản xứ bị hủy bỏ hoặc bị đồng hóa vào một hệ thống quyền do những kẻ chinh phục áp đặt. Một lượng những người Anh điêng bị mất đất xâm nhập những vùng đất công và rìa của thành phố, biến đổi kiểu trật tự của họ, như cuộc khảo sát nhiều thành phối thời kỳ đầu cho thấy. Những cộng đồng Anh điêng đựơc lập nên, theo đó người bản xứ bị loại ra bởi vũ lực, họ là đối tượng giảng đạo và tái tổ chức xã hội. Chẳng hạn như thành phố Lima do Pizarro lập nên sau cuộc chinh phục thủ đô Cuzco của người bản xứ có một trục ngăn chia bằng tường gọi là cercado tại khu phía tây của thành phố dành cho người Anh điêng (từ đó họ kiên trì bỏ trốn). Không phải người bản xứ bị hòan tòan loại bỏ khỏi trung tâm thành phố mới. Luật cho người Anh điêng đề xuất rằng họ phải bị giữ ở ngòai trong khi xây dựng, và chỉ được cho vào khi nó đã hòan thành và lộng lẫy. Thành phố mới xa lạ có mục đich gây sửng sốt để khiến họ thần phục., cũng giống như những thành phố đầu tiên gây thán phục nơi người nông dân. Ngôi nhà của kẻ cầm quyền phải cách xa nhưng có thể đến được. Hệ thống định cư đôi này (hình thức hai cực quen thuộc) xuât hiện sớm trong lịch sử thuộc địa. Bắc Kinh là một trong những ví dụ rõ rệt.

Người Anh xây dựng nhiều ví dụ về thuộc địa thống trị loại này, trong đó động lực chủ yếu là kiểm soát kẻ khác, và cảm giác chủ đạo của kẻ chinh phục là niềm kiêu hãnh, sợ sệt, và cảm giác tha hương. Delhi là chốn cũ của chế độ Moghul, nằm ở giữa Ấn Độ trên tuyến đường xâm lược từ hướng tây bắc. Vào năm 1911 phó vương của Nữ hoàng dời từ Calcutta tới Delhi và một thủ đô mới được thiết lập, nó nằm ở phía nam của thành phố cũ. Thành phố được bố cục dọc theo một tập hợp những trục-đại lộ hòanh tráng theo cảm hứng baroque[5], với không gian rộng cho việc biểu dương quân sự và huy hoàng dân sự. Xã hội được phân hạng chi li còn thang bậc thì được chỉ định cẩn thận trong quyền ưu tiên, lương và nơi cư trú trong thành phố mới. Chiều cao của mặt bằng và khả năng nhìn thấy được của trục được sử dụng để biểu hiện sự thống trị xã hội.

Người Anh sống trong những khu vực mật độ xây dựng thấp, trong đó cảnh quan Anh quốc được tái tạo chừng nào có thể. Không gian được sử dụng để biểu hiện khoảng cách xã hội và để kiểm soát những mối liên hệ giữa người bản xứ và kẻ thực dân. Những người hầu Ấn Độ sống và ăn tách biệt. Thành phố mới tương phản mãnh liệt với thành phố bản xứ cũ chật chội. Tòan bộ cảnh quan, từ hình thức của ghế ngồi đến cách đặt tên đường theo thứ bậc được làm cho cấu trúc xã hội áp đặt trở nên hữu hình và cụ thể. Sự tách biệt và kiểm soát được duy trì trong khi nỗi nhớ nhà và nỗi lo của những kẻ xâm lược được quản lý.

Những trung tâm quyền lực thực dân như thể này sử dụng cùng những loại thiết bị hình thể: các tách biệt không gian, cổng, rào chắn; quang cảnh mở và vùng nằm trong tầm bắn kéo dài mức độ kiểm soát; các trục đối xứng để tiếp cận và diễu hành; trật tự, nghi thức, sự sạch sẽ, mặt phẳng, những bộ phận chuẩn hóa, và những thứ được xếp thẳng hàng; chiều cao và kích thước như là sự biểu hiện quyền lực; cách đặt tên, ký hiệu, và việc ấn định mọi thứ trong không gian và thời gian; luật lệ về cách cư xử và sự phong phú về lễ nghi- tất cả đều kết hợp với những nơi đặc biệt để trốn tránh, trong đó những kẻ thống trị có thể nghỉ ngơi thỏai mái. Thường thường nhưng khu định cư thuộc địa này là các thành phố hai cực, trong đó hai vùng nằm cạnh nhau: cũ và mới, chật chội và rộng rãi, lộn xộn và trật tự, nghèo và giàu, bản xứ và ngọai quốc.

Những đặc tính tương tự, phục vụ cùng những động cơ, có thể được tìm thấy khi chế độ thực dân là tại chỗ/ ở bên trong nó- khi một nhóm tách biệt rõ rệt khai thác và kiểm soát nhóm khác. Johannesburg ở Nam Phi là một ví dụ tột cùng của của thành phố hai cực của chế độ thực dân tại chỗ. Các thành phố nằm trên biên giới giữa hai quốc gia khác nhau về quyền lực như các thành phố dọc theo biên giới giữa Mexico và Hoa Kỳ có cùng những đặc tính này.

Làm thế nào dân cư thuộc địa xử lý hình thức đô thị thừa kế hai cực này, một khi chế độ thuộc địa bị phá vỡ? Đôi khi như trường hợp Delhi ngày nay tính tầng bậc và sự phân biệt đơn giản được tiếp quản và được duy trì bởi tầng lớp tinh hoa bản xứ. Trong những trường hợp khác, như ở Havana một xã hội hoàn tòan khác cư trú không dễ dàng trong cái vỏ thuộc địa cũ, và hòan tòan không rõ làm thế nào không gian có thể được tái tổ chức để vừa vặn với xã hội một lần nữa. Khi người Nam Phi kiểm soát đất nước họ, họ sẽ làm gì với Johannesburg?

Trong khi thành phố thực dân dược xây dựng vì những nguyên nhân rõ ràng, thật khó gỡ rối những động cơ bao trùm một sự phát triển từng bước. Cách thức các thành phố được tái thiết sau các thảm họa nghiêm trọng cho chúng ta những manh mối về quá trình chung này, dù có tính chất phức tạp của sự tái thiết và quán tính của những gì còn lại. Chúng ta có thể phân tích London và Chicago sau các trận hỏa họan, Lisbon, San Francisco, Tokyo, Managua, và Anchorage sau động đất, Atlanta, Halifax và Warsaw sau diệt chủng. Thành phố được xây dựng lại nhanh chóng và những động cơ được tranh luận cởi mở. Cũng giống như trong phẫu thuật, có nhiều thứ để học về chức năng và giá trị bình thường của thành phố bằng cách quan sát những hiện tượng khi chức năng bình thường bị gián đọan đột ngột.

Nhưng thách thức trí tuệ lớn nhất được thể hiện bởi sự phát triển dần dần của các thành phố, được thực hiện bởi nhiều nhân tố khác nhau và mâu thuẫn. Những giá trị kế thừa trong quá trình này la những gì gần gũi nhất với mối quan tâm của chúng ta. Giá trị thích đáng nhất là sự biến đổi lâu dài và phức tạp đã chuyển hóa thành phố của chúng ta thành hình thức quen thuộc ngày nay. Nó xảy ra vào thế kỷ mười chín ở châu Âu và Bắc Mỹ và hãy còn hoạt động bây giờ. Không giống sự xuất hiện lúc đầu hoặc hầu hết các trường hợp thực dân, sự biến đổi lớn này bao gồm việc tái thiết một mạng lưới đô thị đáng kể hiện có. Vì thế câu chuyện lại trở nên rối rắm hơn.

London và Paris là những ví dụ thường được trích dẫn của sự biến đổi này, đặc biệt là London, nơi mà chủ nghĩa tư bản được hưởng sức mạnh ban đầu của nó. Một giai cấp nhỏ bé xây dựng một cảnh quan mới để thu lợi và tích lũy tư bản. Đường bộ, đường sắt, và đường sông mang đến hàng hóa và nhân công bị loại khỏi thành phố cũ. Những vị trí hiệu quả cho sản xuất được tạo lập. Những thiết chế tài chính mới- như chi trả bằng cách vay mượn, hội tương trợ xây dựng[6] và định giá cải tiến- cùng với các thiết chế tư và công được phát triển để xây dựng và quản lý thành phố. Công việc và người dân bị tách biệt bởi thể loại và giai cấp ở nơi nào có thể tách biệt được, mức độ nào đó nhằm tăng cường tính hiệu quả nhưng chủ yếu là để kiểm soát mối đe dọa bạo lực và bệnh tật, đồng thời loại bỏ khỏi tầm nhìn của tầng lớp thượng lưu những lao lực mà lợi nhuận của tầng lớp này dựa vào. Những người bị mất đất ở làng quê tràn ngập thành phố. Có thể lao động rẻ mạt của họ tạo ra lợi nhuận nhưng số lượng đông đúc của họ, bệnh tật và nỗi khổ của họ làm cho cuộc sống của những kẻ hưởng lợi không dễ dàng. Con quỷ của thành phố xuất hiện như một chủ đề văn học phổ biến. Lợi lộc có thể được trích xuất từ sản xuất hàng hóa và từ việc cho thuê địa điểm sản xuất hoặc nhà ở, cả hai nguồn tư bản này dựa trên hai nguồn thu thường lại mẫu thuẫn với sự phát triển của thành phố.

Câu chuyện về sự biến đổi trong thế kỷ mười chín của London và Paris thường được nhắc đến. cùng những hiện tượng như vậy ở một mức độ nào đó muộn hơn đã diễn ra ở các thành phố khác của châu Âu và nước Mỹ . Hãy xem trường hợp Boston như một ví dụ.

Giai đọan sau cách mạng Mỹ là một giai đọan tăng trưởng của thành phố Boston, tuy nhiên nó vẫn là một thành phố buôn bán cả về mặt xã hội và cơ sở kinh tế. Nó là trung tâm thương mại thế giới, đồng thời là một cảng trao đổi hàng hóa. Hàng hóa vận chuyển thống lĩnh vùng Nam Đại Tây Dương, nhưng nó còn buôn bán ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, biển Baltic và Địa Trung Hải. Chuyên chở hàng hóa vòng quanh thế giới, mua rẻ bán đắt, sử dụng mưu kế và tư bản để tóm lấy cơ hội mới, hoặc từ bỏ chúng một khi đã khai thác xong. Boston gắn kết với thế giới hàng hải hơn là với vùng đất nông nghiệp trong nội địa. Nằm ở bờ cong giữa Fort Hill và North End cảng là trung tâm của mọi hoạt động với Long Wharf là điểm hội tụ và đường State nằm ở phần kéo dài trong đất liền. Những thương nhân giàu có sống và đặt phòng kế tóan dọc theo đường State. Ở đầu đường có Nhà Lập Pháp Cũ mới đây bị thay thế bởi Nhà Nghị Viện mới trên Đồi Beacon. Thợ thủ công và tầng lớp trung lưu sống ở các khu kề cận bao quanh khu trung tâm, họ sản xuất hàng hóa chủ yếu cho việc tiêu thụ địa phương trong những xưởng nhỏ đặt tại nhà. Những người Airơlen tới sống túm tụm gần rìa cảng, nhưng hầu hết khách trọ ngắn ngày và những người sống bên lề xã hội- những người nghèo, lao động phổ thông, thủy thủ, gái điếm, và tội phạm- sống ở bên rìa thành phố, chẳn hạn dọc theo mặt sau của Đồi Beacon. Khi cúng ta đã quen với cảnh người nghèo sống ở trung tâm và người giàu ở ngọai ô, thành phố thương mại này dường như bị lộn ngược với chúng ta[7].
Hai nhóm người đã làm biến đổi thành phố thương mại Boston: ở trung tâm của mạng lưới sản xuất, phân phối và cho vay là những nhà buôn. Nhóm này yêu cầu một nơi cư trú mới cho một nền kinh tế mới. Nhóm các nhà đầu tư đất đai, công trình và giao thông, những người tìm kiếm lợi nhuận từ quá trình biến đổi này. Quá trình biến đổi là sự tăng trưởng và phân biệt các loại sử dụng đất chuyên biệt. chúng tản ra và thay đổi lần lần, đi vòng một cách khó khăn qua những trở ngại địa hình, nơi chiếm cứ trước đó hoặc chốn thiêng liêng và luôn luôn trong quá trình cạnh tranh lẫn nhau trong việc kiểm soát không gian. Quá trình này được đánh dấu bởi những cố gắng lặp đi lặp lại nhằm cải thiện liên lạc giữa một lọat các họat động và các cố gắng then chốt. Nhưng chúng lại bị hoen ố bởi những thất bại thường xuyên.

Cơ hội cho sự biến chuyển này là sự thay đổi của kinh tế thành phố từ một cảng thương mại chuyên trao đổi hàng hóa thành một trung tâm sản xuất công nghiệp, được tạo nên bởi năng lượng hơi nước và dòng lao động rẻ mạt người Airơlen, bởi sự suy giảm của vận chuyển thương mại sau khủng hoảng năm 1857. Tư bản thương mại và khả năng tổ chức chuyển từ buôn bán hải ngoại sang đầu tư vào các công xưởng lớn trong nội thị. Những công xưởng này có khả năng sử dụng lao động rẻ mạt nhưng không có kỹ năng bằng cách chia nhỏ các công đọan sản xuất nhằm giảm thiểu hành vi của công nhân thành các hành động quen thuộc và lặp lại. Nói cụ thể ra những công xưởng này sản xuất đồ may sẵn và giày cho thủy thủ, nô lệ, thợ mỏ, binh lính và dân vùng biên giới. Nhu cầu của cuộc nội chiến và công cuộc khai phá miền Viễn Tây đã tạo động lực lớn cho ngành công nghiệp này.

Từ đó bắt đầu một điệu vũ không gian phức tạp trong đó các công xưởng và nhà kho loanh quanh giữa những vùng bị giới hạn và các tòa nhà chật chội của bán đảo. Thế hệ những công xưởng “hợp lý hóa” đầu tiên chiếm cứ những nhà kho cũ khi thương mại vận chuyển bị suy yếu và sau đó bị đẩy ra ngòai một lần nữa khi giao thương phục hồi buôn bán những loại vật liệu thô của miền Tây như len, da và lúa mạch. Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn giày dép và dệt đã thành công trong việc cơ khí hóa ở quy mô lớn và nhảy sang những vị trí ở ngoại ô chẳng hạn như Brockton và Lynn, nơi mà những nhà máy mới rộng rãi có thể được xây dựng và lực lượng lao động chuyên nghiệp/permanent sẵn có và được kiểm soát gần đó. Những ngành công nghiệp khác như may mặc không thể cơ khí hóa được và hệ quả là bị chuyển thành những xưởng bóc lột trong những khu chung cư tồi tàn của North End và South Cove. Nhà kho và chợ bắt đầu trở thành chuyên biệt và phân tách: len và da ở một phía của Đường State, các chợ thực phẩm cho địa phương ở phía bên kia. Trong khi dịch chuyển ra ngòai chúng phải duy trì mối liên hệ tới cảng đối với vật liệu thô và đối với nguồn nhân lực trong một khỏang cách có thể đi bộ. Nhưng hơn hết để duy trì việc cung cấp tín dụng và cung cấp thông tin thị trường trong những quận chuyên biệt của thành phố. Khu vực phía sau này là khu vực có nguồn gốc nằm trong những văn phòng kế tóan trước kia của nhà buôn ở Đường State, đã dịch chuyển rất ít, nó chỉ mở rộng về phương nam khi cần không gian, trong khi dành mặt bắc của đường lại cho chợ thực phẩm và người Airơlen.

Có không gian đầy đủ cho các văn phòng, nhà sản xuất hoặc nhà kho là quan trọng nhưng lối vào của các khu kế cận lại là thiết yếu và lối tiếp cận tới tín dụng và thông tin là thiết yếu nhất. Sự tăng trưởng luôn luôn là lần lần, nó xâm nhập một vài không gian của các khu vực lân bang. Chỗ nào cần thiết, nguồn tài chính dồi dào, hoặc thậm chí cả quyền lực chính quyền có thể được dùng để xóa sạch và xây dựng lại một khu vực cần thiết như đã xảy ra với việc dựng nên khu Chợ Quincy, quy hoạch khu cầu tàu ở Broad Street, khu vực Đồi Pháo Đài bị giải tỏa sau đó bị san phẳng, hoặc đại lộ Atlantic bị cắt ngang. Bán đảo Boston có địa hình đồi dốc, phần biển ăn sâu vào đất liền đã bị san bằng và mở rộng với giá rất đắt. Chín trăm mẫu Anh (khỏang 360 ha) được bổ sung vào khu đất ban đầu ít hơn tám trăm mẫu (khoảng 320 ha). Thành phố đang phát triển buộc phải vùng vẫy xung quanh một không gian chật hẹp, và kết quả là chỉ có một vài tòa nhầ ban đầu còn sống sót. Bán đảo- hầu như là một hòn đảo, lúc đầu được chọn do tính chất phòng ngự của nó, do hải cảng và nguồn nước. Nhưng thành phố phải trả giá cho khả năng không thể đáp ứng và lối tiếp cận kém với các tài nguyên trên trong thế kỷ mười chín.

Cùng lúc đó nhiều cố gắng liên tục được tiến hành để kết nối cảng với hệ thống giao thông khu vực. Tám hãng đường sắt độc lập xâm nhập Boston từ năm 1835 đến 1855. Không có hãng nào thành công trong việc vươn tới cảng hoặc trung tâm thương mại. Không gian dành cho đường sắt và nhà ga chỉ có thể được tìm thấy ở bên rìa các vùng đất ngập nước của Mill Pond, Back Bay, và Souh Cove. Một hãng đường sắt vươn tới vùng nước sâu ở Đông Boston nhưng nó chỉ phục vụ một khu vực nội địa nhỏ. Hãng Cunard từ Vương Quốc Anh thiết lập cơ sở tại điểm này nhưng hàng hóa và hành khách đỗ tại đây phải được chuyên chở bằng phà qua cảng để tới trung tâm thành phố. Hãng Cunard sớm bỏ Boston để tới New York.

Theo hướng ngược lại phát triển từ thành phố ra phía ngòai một đường ray đã tiến xa về phía Tây tới tận sông Hudson vào năm 1842. nhưng nó chỉ đến đây. Những kế hoạch tham vọng hơn xây dựng một kênh qua vùng Berkshires đã bị hủy bỏ. Trong khi vật lột ở phía trong để đạt tới vùng nước sâu Boston đã thua New York trong cuộc đua giành đường tiếp cận nội địa của đại lục và mãi mãi không bao giờ giành lại được vị thế thống lĩnh ban đầu. Vì thế đường sắt của Boston phục vụ chủ yếu để vận chuyển hành khách địa phương, đặc biệt là những người đi làm và chỉ được kết nối với nhau rất muộn sau này. Khi việc xuất khẩu hàng miền Tây được kèm theo bằng cách nhập hàng dọc đường, hàng hóa được chuyển đến thuyền tại các nhà ga đầu mối ngọai thị độc lập. Vịnh lịch sử giữa trung tâm thành phố và cảng của nó nằm về một phía và vùng nội địa nông nghiệp về một phía vẫn không được kết nối bằng cầu. Bên trong thành phố vận chuyển hàng hóa giữa các bến bãi, dọc theo các tuyến xe ngựa vẫn tiếp tục làm nghẹt ứ những đường phố trung tâm rối rắm.
Trong khi đó, dòng lũ người Ái-nhĩ-lan nhập cư vốn là nguyên nhân cho sự bùng nổ này, đã vừa khít với mạng đường phố rối rắm trên, chỉ nằm trong một khỏang cách đi bộ từ nhà tới xưởng làm việc và những công việc kỳ cục. Ở Boston trong vòng một thập kỷ những người sinh ra ở nước ngòai đã tăng từ 15 lên đến 46 phần trăm dân số thành phố. Họ nhồi nhét trong nhưng khu dân cư cũ gần cảng nhất, những nơi mà họ đã đổ bộ xuống, dọc theo vùng ven của North End và trong khu dân cư Đồi Pháo đài. Những nhà đầu cơ xây các khu chung cư mật độ cao và nhà trong hẻm, rồi chuyển đổi những ngôi nhà cũ và tầng hầm. Kết quả là người Ái-nhĩ-lan phải sống ở những nơi bẩn thỉu và chật chội. Vào năm 1850 ở khu vực Đồi Pháo Đài, ở mức trung bình có nhiều hơn bốn gia đình tức là hơn hai mươi người trong mỗi căn hộ nhỏ. Dịch tả bùng phát, làm dấy lên nỗi sợ hãi và căm ghét của người bản xứ đối với người Ái-nhĩ-lan, những người mà cỗ máy kinh tế của Boston giờ phụ thuộc vào. Những khu ổ chuột ở Đồi Pháo Đài được trưng dụng, rồi giải tỏa bằng vũ lực và với chi phí của chính quyền. Ngọn đồi bị san phẳng và những cư dân của nó bị đẩy đi để nhường chỗ cho việc mở rộng kinh doanh. Người Ái-nhĩ-lan lại tiếp tục nhồi nhét ở South Cove, North End, và Nam Boston, khu vực sau này là một khu có đường phố cụt mà họ vẫn đang tiếp tục chiếm lĩnh.
Khu South End cũ (bây giờ là một phần của quận kinh doanh trung tâm thành phố, không nên nhầm với nơi được gọi là South End ngày nay) đã là nơi cho dân thượng lưu sinh sống, nơi mà đầu tiên được chuyển đổi thành các khu ổ chuột đầy lợi nhuận và sau đó bị giải tỏa cho hoạt động kinh doanh. Trong các hướng khác, những khu dân cư đặc sắc đã kháng cự thành công trước áp lực kinh doanh. Chẳng hạn khu thượng lưu Beacon Hill đã đứng vững. Nó nằm phía sau Nhà Lập Pháp và nằm ngòai trục tăng trưởng thương mại, vốn được kèm bên cạnh bởi khuôn viên thiêng liêng của Boston Common. Theo một hướng khác, giai cấp lao động ở North End cũng giữ vững thế trận. Đó là nơi nằm ở phía cuối của bán đảo, phía sau những chợ thực phẩm, dân cư ở đây làm việc trong chợ từ sáng sớm và khu chợ phải nằm trong tầm đi bộ đối với họ. Sự eo hẹp của mặt bằng đô thị mà trong đó những thành phần này giành giật không gian cùng sức kháng cự gan lì của vài nhóm dân cư đã sản sinh ra một thành phố có trung tâm đa dạng và đa sắc tộc, hoàn tòan không giống vòng đầu cơ trống rỗng bao quanh trung tâm của hầu hết các thành phố ở Bắc Mỹ.

Tuy nhiên một cuộc đào thoát đã tác động tới miền nam, thông qua đó đường xe ngựa kéo được mở rộng bắt đầu từ những năm 1850. Nhiều người giàu đã nhảy ra vùng ngọai ô nằm trong vòng bán kính 5 km tính từ trung tâm, những khu này dựa trên mạng lưới đường sắt nối nơi làm việc và khu ở. Phần kiên trung còn lại đứng vững ở Beacon Hill hoặc chiếm cứ vùng Back Bay cho đến khi khu đó đầy, nhưng những người khá giả lại bỏ đường Tremont, khu South End cũ và sau đó là khu South End mới dọc theo vùng Cổ họng của bán đảo trước làn sóng doanh nhân và những người Ái-nhĩ-lan. Sự phân biệt không gian bởi giai cấp- vốn quen thuộc ngày này, đã bắt đầu xuất hiện, cũng như sự đảo lộn của đường gradient bán kính giàu có, của cái đỉnh trước kia ở trung tâm thì nay dịch chuyển ra ngòai.

Giá đi tàu vẫn còn quá đắt cho đại đa số quần chúng. Công nhân phải đi bộ đến nơi làm việc. Tuy nhiên loại xe ngựa kéo mới và giá cước 5 cent đột nhiên khiến cho tầng lớp trung lưu nghèo và thâm chí lớp lao động tương đối khá gỉa có khả năng thoát khỏi những chung cư tồi tàn ở trung tâm. Những hãng xe ngựa kéo là các hãng độc lập, chúng thường nhận được tài chính từ những lợi ích của giới bất động sản để làm cho đất đai của họ có khả năng tiếp cận được. (Trong cùng một cách như vậy, những cây cầu đầu tiên bắc ra khỏi Boston cũng được xây dựng chủ yếu để hỗ trợ việc đầu cơ bất động sản). Do không được phối hợp với nhau, những đường xe ngựa kéo gây ùn tắc những đường phố trung tâm nhưng chúng cũng tạo cho hầu như một phần ba dân số cơ hội có nhà ở tốt hơn. Những nhà nhỏ ở thôn quê, các nhà song lập, và các nhà căn hộ hai hoặc ba tầng bằng gỗ trải ra đến 3 dặm (khoảng 4,8 km) khỏi trung tâm thành phố, cho đến khi luật phòng cháy chữa cháy và sự suy giảm lợi nhuận trong dịch vụ xe ngựa kéo khiến cho việc mở rộng này chấm dứt. Tuy có bố cục kém, xây dựng rẻ tiền và thiếu những dịch vụ cộng đồng đã để lại cho Boston một di sản khó khăn cho tương lai, nhưng những gia đình có thu nhập trung bình đã có cơ hội đầu tiên để sở hữu đất đai riêng và hưởng “không khí nông thôn”. Những khỏan lợi nhuận tốt lành được thu lượm, nhiều doanh nghiệp nhỏ bắt đầu con đường làm giàu với vốn tư bản nhỏ và cùng với sự hạ bớt những mối nguy hiểm chính trị từ sự bất bình trong tầng lớp trung lưu và giai cấp lao động có thu nhập khá, tất cả đều không đặt lực lượng lao động bên ngòai tầm với của các cửa hàng. Giá cước 5 cent được duy trì bởi luật pháp và phần lớn các khỏan trợ cấp của chính quyền dùng để chi vào việc mở rộng đường và hạ tầng kỹ thuật khiến cho đất trở nên có giá. Trong một khoảng thời gian việc cải tạo hệ thống đường sá ngốn hết một nửa ngân sách của thành phố. Boston theo sau sự phát triển này với việc sáp nhập lần lượt đất đai của vùng ngoại vi. Sau này khi các doanh nghiệp vận chuyển được mở rộng rồi không thu được lợi nhuận nữa, nhà nước mua lại các doanh nghiệp này.
Cái giai đọan này của chủ nghĩa tư bản lãng mạn, của những đường phố tuyệt vời, của sự mở rộng mãnh liệt, và lòng tự tin phơi phới, chủ yếu đã trở thành quá vãng vào năm 1880 tại Boston. Rất nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu, những nhà lãnh đạo tương lai đã bị giết trong cuộc Nội chiến. Cơn khủng hoảng và trận Hỏa họan năm 1873 là những cú sốc nghiêm trọng. Hơn nữa những người Ái-nhĩ-lan đã bắt đầu nắm lấy địa vị ở chính quyền địa phương và thị xã Brookline từ chối sáp nhập đã chặn đứng bất kỳ cố gắng nào để giữ đơn vị chính trị phù hợp với lãnh thổ của đô thị. Ngân sách của thành phố bị cắt giảm nghiêm trọng và Hội đồng Y tế, một thời là cơ quan quyền lực có ảnh hưởng trong việc quy định sự phát triển đã bị đặt duoi quyền Hội đồng Tâm thần và Từ thiện. Giới lãnh đạo xuất thân từ các tiểu bang miền Bắc bắt đầu rút lui lân lân từ địa hạt chính trị của thành phố lên tiểu bang và từ chỗ thống trị về chính trị sang dựa trên quyền lực kinh tế. Vào những năm 1880 làn sóng di cư lại nổi lên nhưng bây giờ gồm những người Canada thuộc Pháp, những người Do thái Đông Âu và nam Italia.






__________________________________________________________________
[1] Ở Sumer và có lẽ một cách độc lập ở Ai Cập; ở thung lũng Indus, Nha Thuong (Shang) Trung ; Hoa; Trung Mỹ và có lẽ một cách độc lập ở Peru; và có thể một vài vùng chưa được nghiên cứu đầy đủ của Đông Nam Á hoặc châu Phi (Chú thích của tác giả - Kenvin Lynch)
[2] Hơn nữa trong ít nhất một trường hợp- Jericho- một khu vực đô thị có thể đã chết yểu. có vẻ như Jericho không đơn vị kế thừa và đã không dẫn đến nhà nước văn minh độc lập.
[3] Những dấu vết trắc địa đã được tìm thấy cho một đường dài 3 km đặt theo góc vuông với đại lộ chính với sai số ít hơn 10 phút.
[4] Obsidian: một loại thủy tinh màu đen về mặt hóa chất tương tự như granit được hình thành bởi sự lạnh nhanh của lava núi lửa phun trào. Thường được dùng bởi các nền văn minh sơ khai làm các công cụ tạo tác và các đối tượng để hành lễ (Từ điển Encarta- mục từ obsidian- chú thích của người dịch- ND).
[5] baroque: phong cách kiến trúc và nghệ thuật hoa mỹ ở châu Âu và một vài thuộc địa vào thế kỷ XVII (ND).
[6] Chi trả bằng cách vay mượn (deficit spending): chi trả của chính phủ bằng cách mượn tiền hơn là bằng cách tăng thuế (mục từ: deficit spending- Encarta 2006-ND)
Hội tương trợ xây dựng (building societies): tổ chức tài chính ở Vương quốc Anh trả lãi suất cho tài khỏan tiết kiệm, cho vay tiền để mua hoặc cải tạo nhà và cung cấp các dịch vụ tài chính khác (mục từ: builidng societies- Encarta 2006).

[7]Đầy là đối với độc giả Mỹ còn với độc giả Việt Nam thì cảm giác có lẽ là ngược lại- người giàu ở trung tâm còn người nghèo ở ngọai vi mới là sự phân bố thông thường trong các thành phố Việt Nam và nhiều thành phố khác trên thế giới. Chỉ có các thành phố ở Mỹ là độc nhất vô nhi trên thế giới khi có một sự phân bố ngược lại. Lynch có nhẵc đến những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong các phầu sau (ND)

0 nhận xét:

Không có nhận xét nào: